Phân tích thị trường dầu dừa (APCC)

Do sản lượng dầu dừa toàn cầu giảm thấp nên lượng xuất khẩu dầu dừa của thế giới trong năm 2014 cũng giảm theo. Mặt khác, sự sụt giảm này đã có những ảnh hưởng tích cực đến giá dầu dừa và tạo ra một thị trường lạc quan cho dầu dừa trên thị trường thương mại quốc tế.

Lượng xuất khẩu dầu dừa từ Philippines, nước xuất khẩu dầu dừa hàng đầu, giảm thấp trong năm 2014. Theo số liệu thống kê mới nhất cho thấy: từ tháng 01 – 12/2014, Philippines xuất khẩu được 0,91 triệu tấn, giảm khoảng 17,2% so với số lượng xuất khẩu 1,1 triệu tấn trong năm 2013. Sự sụt giảm này đã được dự đoán trước do sản lượng sản xuất bị thiếu hụt do tác động của những cơn bão gây ra làm thiệt hại hàng triệu cây dừa. Sự sụt giảm sản lượng cũng tồi tệ hơn do sâu hại dừa tấn công. Hoạt động trồng lại cũng diễn ra chậm hơn so với dự kiến và sau khi trồng thì những cây dừa mới sẽ mất từ 06 đến 08 năm mới đạt được tiềm năng sản xuất. Do đó, theo nguồn tin từ tổ chức Oil World, một nhà nghiên cứu ngành công nghiệp dầu hạt tại Hamburg thì sản lượng dầu dừa của Philippines được dự kiến sẽ giảm từ 1,492 triệu tấn trong năm 2013 xuống còn 1,168 triệu tấn trong năm 2014.


Không giống như Philippines, lượng xuất khẩu dầu dừa từ Indonesia dự kiến tăng cao trong năm 2014 sau khi thị trường dầu dừa bị trì trệ trong năm 2013. Số liệu mới nhất khẳng định dự đoán này và cho thấy rằng trong giai đoạn từ tháng 01 – 12/2014 thì lượng xuất khẩu dầu dừa của quốc gia này đạt 0,77 triệu tấn, tăng 22% so với tổng lượng xuất khẩu của cả nước trong năm 2013 đạt 0,63 triệu tấn. Indonesia, quốc gia xuất khẩu dầu dừa lớn thứ hai, thu được nhiều lợi ích từ sự thiếu hụt nguồn cung dầu dừa ở Philippines. Việc đồng rupi yếu hơn so với đồng USD cũng là một động cơ cho các nhà xuất khẩu dầu dừa. Dầu dừa của Indonesia chủ yếu được xuất khẩu sang Hà Lan, Malaysia, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc và đây được xem là những thị trường truyền thống đối với dầu dừa từ Indonesia. Hà Lan là thị trường nhập khẩu dầu dừa lớn nhất từ Indonesia trong nhiều năm qua. Từ tháng 01 – 12/2014, lượng dầu dừa được xuất khẩu từ Indonesia sang Hà Lan đạt 37,49%. Trong khi đó, lượng xuất khẩu dầu dừa từ quốc gia này sang Malaysia, Mỹ và Trung Quốc đạt tương ứng 27,74%, 20,79% và 7,05%.

Thực tế, do Philippines là nước xuất khẩu dầu dừa hàng đầu nên việc sản lượng xuất khẩu dầu dừa của nước này giảm thấp được dự kiến kéo theo lượng xuất khẩu dầu dừa của thế giới trong năm 2014 cũng sẽ giảm theo. Tổ chức Oil World báo cáo: lượng xuất khẩu dầu dừa trên toàn cầu trong năm 2014 đạt 1,85 triệu tấn, giảm 8,9% so với lượng xuất khẩu năm 2013 là 2,031 triệu tấn. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu dầu dừa của thế giới được dự kiến sẽ sớm khôi phục trở lại. Tổ chức Oil World dự tính rằng: lượng xuất khẩu dầu dừa sẽ tăng cao vào năm 2015; sản lượng xuất khẩu hàng hóa này sẽ sớm được hồi phục bởi vì ngành dầu dừa của Philippines chấp nhận nhập khẩu nguyên liệu thô và dầu dừa thô từ các nước chế biến và xuất khẩu dầu dừa khác. Liên quan đến sự sụt giảm nguồn cung dầu dừa, tổ chức Oil World cũng dự báo sản lượng cơm dừa sẽ giảm thấp, ước đạt 4,98 triệu tấn trong năm 2014 (năm 2013 đạt 5,37 triệu tấn). Sản lượng cơm dừa giảm thấp chủ yếu do điều kiện thời tiết và khí hậu khắc nghiệt; bao gồm cả việc ảnh hưởng lâu dài của nhiều cơn bão tại Philippines. Sự tấn công gần đây của côn trùng hại dừa Cocolisap tại các khu vực của Calabarzon (Cavita, Laguna, Batangas, Rizal và Quezon) cũng gây thêm nhiều áp lực lên nguồn cung cơm dừa.


Rõ ràng do sản lượng dầu dừa toàn cầu giảm thấp nên lượng xuất khẩu dầu dừa của thế giới trong năm 2014 cũng giảm theo. Mặt khác, sự sụt giảm này đã có những ảnh hưởng tích cực đến giá dầu dừa và tạo ra một thị trường lạc quan cho dầu dừa trên thị trường thương mại quốc tế. Từ quý 4/2013, giá dầu dừa đã có xu hướng tăng cao sau khi giảm thấp trong thời gian dài kể từ quý 4/2012. Từ tháng 4/2013 – 3/2014, giá bình quân dầu dừa tăng khoảng 6% mỗi tháng. Giá dầu dừa tăng cao nhất được ghi nhận vào tháng 12/2013, tăng 25,7%. Giá dầu dừa có xu hướng đảo ngược vào tháng 5/2014, đạt 1.370 USD/tấn, sau đó giảm xuống còn 1.120 USD/tấn trong tháng 10/2014, tỷ lệ bình quân đạt 4%/tháng. Trong quý 1/2015, mặc dù xu hướng giá dầu dừa có chiều hướng giảm thấp nhưng sự sụt giảm này sẽ không đủ mạnh để ngăn chặn sự sụt giảm hơn nữa đối với giá dầu dừa. Xu hướng giảm từ quý 2/2014 đến quý 1/2015 chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ dầu cơm cọ trên toàn cầu (PKO) bởi vì giá dầu dừa cao hơn nhiều so với giá dầu cơm cọ. Tuy nhiên, giá của 02 mặt hàng này đang dần hẹp lại, giá dầu dừa được dự kiến sẽ khôi phục. Điều đáng chú ý là mức giá cao nhất của dầu dừa vẫn chưa được ghi nhận và trong 04 năm qua giá dầu dừa, CIF Rotterdam được ghi nhận đạt cao trong tháng 02/2011 là 2.285 USD/tấn.

Theo dự tính thì mặc dù thị trường dầu dừa có xu hướng tụt dốc vào quý 1/2015 nhưng giá dầu dừa sẽ không giảm thấp trong thời gian quá dài. Thị trường dầu dừa sẽ phát triển trong quý 2/2015 và sẽ tăng khoảng 5% đến 10% từ mức giá hiện tại không chỉ do nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu mà còn do sự thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu. Ngoài ra, kế hoạch tăng hỗn hợp pha trộn nhiên liệu sinh học điêxen từ 2,5% lên 5% của một vài nước sản xuất CNO, đặc biệt là Philippines cũng giúp cải thiện giá CNO trên toàn cầu. Do nhiều nước quyết định giảm sự lệ thuộc và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch nên hỗn hợp pha trộn này mới tăng gấp đôi như thế. Năm 2012, Philippines có khoảng 140.000 – 150.000 tấn dầu dừa được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học điêxen và sản lượng này dự kiến sẽ tăng khoảng 350.000 tấn khi quyết định tăng hỗn hợp pha trộn được thực hiện. Sự thay đổi như thế sẽ làm giảm lượng xuất khẩu CNO của Philippines và nguồn cung CNO trên thị trường toàn cầu. Mặc dù Indonesia, nước sản xuất dầu dừa lớn thứ hai trên thế giới, đã sử dụng dầu cọ để thay thế cho dầu dừa trong hỗn hợp pha trộn nhiên liệu sinh học điêxen, nhưng việc tăng hỗn hợp này từ 5% lên 10% sẽ ảnh hưởng đến nguồn dầu cơm cọ của nước này khi được sử dụng để thay thế cho dầu dừa.

Thành viên tiêu biểu

Thăm dò ý kiến

Theo bạn sản phẩm dừa Bến Tre hiện như thế nào?

Đăng ký nhận email

Nhập email của bạn để nhận thông tin từ Hiệp Hội Dừa Việt Nam
Hủy đăng ký

Thống kê truy cập

Số người trực tuyến: 10
Lượt truy cập: 50
Hiệp Hội Dừa Việt Nam
Tầng 18, Tòa nhà Indochiana Park Tower. Số 4, Đường Nguyễn Đình Chiều, Phường Đakao, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Việt Nam
0903 392 782 - (08) 3510 0246
Trang thông tin thuộc Hiệp hội Dừa Việt Nam. Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website.
Thiết kế bởi : Viễn Nam
Địa chỉ: 347/28 Lê Văn Thọ, Phường 09, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh - Điện thoại: (08) 62954528 - 6257 6674 - 6257 6739 - Website: www.viennam.com